active listening

ACTIVE LISTENING – 6 CỤM TỪ “NHỎ MÀ CÓ VÕ”

ACTIVE LISTENING LÀ GÌ?

“Active listening” – “chủ động lắng nghe”, là một nghệ thuật trong giao tiếp hàng ngày. Giải thích rõ hơn, đây là kĩ năng đòi hỏi những người tham gia một cuộc nói chuyện hoàn toàn tập trung vào câu chuyện đó, có sự tương tác, phản hồi với những gì mình nghe được. Kĩ năng này được dùng trong hầu hết các tình huống giao tiếp, đặc biệt là trong các công việc như management training, workforce development hay mediation.

VẤN ĐỀ KHI BẠN THIẾU ACTIVE LISTENING

Nếu bạn bị người đối diện hỏi những câu kiểu như “Bạn có thật sự hiểu tôi đang nói gì không?” hay thậm chí là “Bạn có đang nghe tôi nói không đấy?” thì có lẽ bạn đang gặp vấn đề với active listening rồi. Và điều đáng báo động hơn là không ít người dường như đang xem nhẹ việc này. Vậy, hãy lấy một ví dụ để xem tác động của nó lớn như thế nào:

Một hôm, người bạn của bạn đang hào hứng kể về công việc mới. Bỗng anh ta dừng lại, và nói rằng bạn trông chẳng có hứng thú gì với câu chuyện của anh ta cả. Có thể bạn vẫn nghe và hiểu anh ta nói gì từ đầu đến cuối. Nhưng chắc chắn bạn không thể tự nhìn thấy cách bạn lắng nghe anh ta như thế nào. Và anh ta ngay lập tức giải đáp thắc mắc của bạn bằng nhận xét: “Trông cậu như đang nhìn đi đâu đó khi tôi nói vậy”.

Hiển nhiên bạn cũng khó chịu khi người khác không chú tâm vào câu chuyện của bạn, đúng không nào?

LỢI ÍCH CỦA ACTIVE LISTENING

Nếu như có ai đó phản biện rằng kĩ năng này hơi thừa vì nó dùng để phục vụ người khác là chủ yếu thì rõ ràng là một sai lầm lớn. Thực ra nó giúp ích cho bản thân người nghe mới là chủ yếu. Bạn sẽ vừa không bỏ lỡ các thông tin quan trọng cần nghe, vừa có thể bỏ qua các yếu tố bên ngoài xen vào cuộc nói chuyện của bạn.

LUYỆN TẬP ACTIVE LISTENING NHƯ THẾ NÀO?

Hãy bắt đầu tập luyện kĩ năng này để là một người có phong cách giao tiếp chuyên nghiệp nhé. Khi nói chuyện, nếu bạn cảm thấy mình bị mất tập trung, hãy giữ 6 cụm từ dưới đây trong tâm trí của mình. Bạn sẽ bất ngờ về hiệu quả mà nó đem lại:

1/ DO YOU MEAN… ? (Ý BẠN LÀ… ?)

Đặt ra câu hỏi này là cách để bạn thể hiện sự tập trung. Nó còn giúp bạn xác nhận xem mình có hiểu câu chuyện theo hướng khác so với người nói hay không. Người nói sẽ hoàn toàn vui lòng giải thích cho bạn hiểu rõ hơn nếu chẳng may bạn hiểu khác những gì họ truyền đạt.

Một số câu có thể dùng thay thế là “I’m not sure I understand” (Tôi không chắc là mình đã hiểu) hay “Could you tell me a bit about that?” (Bạn có thể nói rõ hơn một chút được không?)

2/ IT SOUNDS LIKE… (NGHE NHƯ LÀ…/ CÓ VẺ NHƯ LÀ…)

Một cụm từ khác giúp bạn xác nhận thông tin mình nghe được. Nhưng hãy cẩn trọng, đừng dùng cụm từ này để đánh giá câu chuyện của người nói. Hãy dùng nó như một công cụ thể hiện sự đồng cảm với câu chuyện họ kể. Ví dụ, khi người khác đang thể hiện sự chán nản khi gặp thất bại, thì “It sounds like you haven’t tried hard enough” (Có vẻ như bạn cố gắng chưa đủ) sẽ có tác động hoàn toàn khác với “It sounds like you’re feeling a little defeated” (Có vẻ như bạn đang cảm thấy hơi thất vọng nhỉ).

Bạn có thể thay thế nó bằng những cụm từ khác như “What I’m hearing is …” (Những gì tôi nghe được là …) hoặc “You seem a bit…” (Bạn có lẽ đang hơi … nhỉ)

3/ REALLY? (THẬT Ư?)

Một câu hỏi đơn giản, nhưng khiến người nói thực sự có hứng tiếp tục câu chuyện. Bởi nó thể hiện sự khích lệ, hưởng ứng nhiệt tình của người nghe.

Vài lựa chọn khác cho câu hỏi này là: “When?” (Khi nào?),  “How?” (Như thế nào?) hoặc “You’re kidding ?!” (Bạn không đùa đấy chứ ?!)

4/ I’VE NOTICED THAT… (TÔI THẤY LÀ…)

“I’ve noticed that when you talk about your conclusion, you smile”. Khi nói ra được những câu như vậy, bạn không những cho thấy mình đang chăm chú lắng nghe người khác, mà còn tỏ ra là một người nhạy bén khi quan sát cả cử chỉ, thái độ của họ. Chẳng hề quá lời khi nói rằng có những người hiểu nhau tới từng cái nháy mắt. Đôi khi, chỉ cần để ý một vài cử chỉ nhỏ, bạn có thể tạo ra sự thiện cảm lớn.

5/ LET ME MAKE SURE I’VE GOT THIS RIGHT (TÔI MUỐN CHẮC CHẮN RẰNG MÌNH ĐÃ HIỂU ĐÚNG)

Có những trường hợp bạn sót thông tin không phải vì yếu tố ngoại cảnh tác động, mà vì bản thân câu chuyện bạn nghe quá dài (so với khả năng ghi nhớ của bạn). Những lúc như vậy, bạn có thể mở lời để người nói hiểu rằng bạn cần được tóm tắt câu chuyện. Bằng cách này, người nói sẽ hiểu được rằng bạn quan tâm đến vấn đề của họ. Hơn nữa, họ sẽ hoàn toàn thoải mái để giải thích hay tóm tắt lại cho bạn.

Ngoài ra bạn cũng có thể nói “These are the main points I’ve heard you make so far” (Đây là những điểm chính mà tôi nghe được từ bạn cho tới lúc này), “Let’s make sure I’m hearing you correctly” (Hãy đảm bảo rằng tôi đang hiểu đúng ý của bạn nhé). “Cao siêu” hơn một chút thì “Let’s pause to make sure we’re on the same page” (Hãy dừng lại một chút để đảm bảo rằng chúng ta có cùng suy nghĩ nhé).

6/ I’M SORRY, THAT REALLY SUCKS (TÔI RẤT TIẾC, ĐIỀU ĐÓ THẬT TỒI TỆ)

Ở đây, “sorry” được dùng với nghĩa là “tiếc”. Bạn sẽ nói câu này khi người đối diện chia sẻ cho bạn một điều tồi tệ họ trải qua. Đây là câu giúp bạn thể hiện sự đồng cảm. Nó cũng “xoa dịu” những cảm xúc tiêu cực của người kể. Bạn không cần cố gắng hướng họ đến những điều tích cực một cách miễn cưỡng. Trái lại, hãy xuôi theo cảm xúc của họ trước đã. Đây cũng là một cách để bạn cho họ biết bạn đã sẵn sàng nghe họ giãi bày tiếp.

Một số lựa chọn khác cho cách nói này là: “I’m sorry you’re going through that” (Tôi rất tiếc vì những gì bạn đang phải trải qua) hoặc “That’s rough. How can I help?” (Tệ thật. Tôi giúp được gì không?)

LỜI KẾT

Sau cùng, hãy lắng nghe một cách cẩn thận. Luôn đặt địa vị của bạn vào người nói. Thấu hiểu những gì người khác muốn chia sẻ là chìa khóa để bạn có những mối quan hệ tốt đẹp. Impactus chúc các bạn sớm trở thành những “proactive and empathetic listeners” nhé.

Xem thêm các bí quyết khác về kỹ năng nghe tại đây


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *