HỌC NGHE NÓI TIẾNG ANH THẾ NÀO ĐỂ “VƯỢT RÀO” TUỔI TÁC

Nhiều bạn sau khi đọc note hoặc post của mình trên facebook có những câu hỏi tương tự nhau như: “Tại sao tôi viết và đọc không tệ mà nghe và nói thì kém?”, “Tại sao tôi học nghe và nói mãi không vào?”, “Làm sao để nghe và nói tiếng Anh tốt?” Dựa trên kinh nghiệm học và nghiền ngẫm về vấn đề ngữ âm, mình sẽ chia sẻ một số vấn đề mình đã nhận thấy trong việc học nghe nói tiếng Anh và cách giải quyết nó.

1. Vấn đề của người từ 15 tuổi trở lên khi học nghe nói tiếng Anh

Với mức độ xóa mù chữ của công dân trên 15 tuổi ở Việt Nam là trên 97% ở nam giới và trên 96% ở nữ giới (thống kê của UNICEF, 2012), có thể khẳng định 9/10 người Việt Nam trên 15 tuổi đều đọc thông viết thạo tiếng Việt.

Hầu hết những người mình gặp đều chỉ nghiêm túc học một ngoại ngữ sau tuổi 15, tức là bắt đầu học cấp 3, nếu không muốn nói là nhiều người sẽ bắt đầu muộn hơn. Thực tế, chỉ có các học sinh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, hay Đà Nẵng mới có cơ hội được học ngoại ngữ cho nghiêm chỉnh trước tuổi này.
=> Vậy ta có kết luận: 9/10 người Việt Nam khi bắt đầu học ngoại ngữ đều đã thông thạo tiếng mẹ đẻ.

Bỏ qua các điều kiện về môi trường học tập (trường, gia đình, xã hội), các điều kiện về khả năng tiếp cận thông tin (sách, báo, internet), việc thông thạo tiếng Việt như vậy lại là một rào cản cơ bản khi một người muốn học nghe nói tiếng Anh.

Vấn đề của người từ 15 tuổi trở lên khi học nghe nói tiếng Anh

Tại sao nghe nói tiếng Anh trở thành rào cản?

Bất cứ ai khi nghe hoặc nhìn thấy một thứ gì mới, đều sẽ so sánh (trong vô thức) với thứ mà người đó đã biết để đối chiếu, tìm ra những điểm tương đồng để định nghĩa những điều mình mới nghe hoặc nhìn thấy. Ví dụ, bạn nhìn thấy một quả táo tây màu xanh lần đầu tiên nhưng bạn biết ngay đó là quả táo vì trước đó bạn đã nhìn thấy quả táo màu đỏ. Mặc dù màu sắc chúng khác hẳn nhau, nhưng hình dáng tương tự nhau của chúng khiến bạn nhận biết đó là quả táo.

Với ngôn ngữ, chúng ta, những người học nghe nói tiếng Anh như ngoại ngữ, cũng có xu hướng so sánh những gì ta nghe và nhìn thấy với những gì ta đã biết. So sánh rồi chúng ta cho rằng cái ta nghe thấy và nhìn thấy giống những cái ta đã biết trong tiếng Việt. Và thế là chúng ta dùng những từ ngữ tiếng Anh đó trong nói và viết y hệt như trong tiếng Việt. Quá trình này diễn ra hoàn toàn trong vô thức. Ví dụ: Đọc từ “chin” (cái cằm), chắc chắn trong vô thức của bạn sẽ xuất hiện cách phát âm như Tiếng Việt, đó là: chờ-in-chin. Thế là sau đó nghĩ phát âm của nó như “chin” trong tiếng Việt.

Vấn đề là:

Sau mười mấy năm học tiếng Anh thì mình càng thấy tiếng Việt nó chả có cái abcxyz gì giống tiếng Anh cả. Chỉ riêng về phát âm, từ “chin” trong tiếng Anh khác hẳn chữ “chin” trong tiếng Việt. Yep, nó khác nhau đấy, khác cơ bản luôn. Nhiều bạn chắc nãy giờ vẫn tự hỏi: “Ủa thế nó có thể khác nhau được nữa sao? Không đọc là “chờ-in-chin” thì đọc như thế nào được nữa.” Ờ thế nhưng mà nó khác nhau thật đấy. Không tin giở từ điển online Oxford hay Cambridge ra mà nghe xem học đọc từ đó ra sao.

tiếng Việt không hề giống tiếng Anh, nên việc não bạn quy những cái trong tiếng Anh về giống với tiếng Việt một cách vô thức đồng nghĩa với việc bạn đang tự xây dựng trong đầu những khái niệm, những định nghĩa, những cách đọc, những quy tắc, v.v… hoàn toàn sai về tiếng Anh. Sau đó bạn lại lôi những định nghĩa sai đó làm cơ sở để nhận diện ngôn từ khi nghe và đọc, để sản xuất ra ngôn từ khi nói và viết.

Thế nên bạn không hiểu đúng và cũng không diễn đạt đúng những gì mình cần diễn đạt. Ví dụ: từ “chin” ở trên được não bạn cho rằng cách phát âm của nó giống chữ “chin” trong tiếng Việt. Thế là sau này mỗi khi nghe đến từ “chin” chuẩn thì bạn không thể nhận ra nó vì não bạn cho rằng từ “chin” nó được phát âm khác cơ. Và khi bạn định nói từ “chin” trong tiếng Anh thì bạn lại phát âm sai.

Khốn khổ cho người Việt chúng ta là cái tiếng Việt nó có quá nhiều điểm tréo ngoe. Những điểm tréo ngoe đó lại được cộng hưởng với sự hời hợt, cẩu thả, ăn xổi ở thì, lười biếng của đa số người học tiếng Anh. Điều đó khiến cho những cái sai lầm được tạo ra trong vô thức kia rất nhiều. Mà phàm cái gì đã được tạo ra trong vô thức thì nó vô cùng thâm căn cố đế và khiến bạn mất rất nhiều thời gian để thay đổi (Điều này đã được chứng minh bởi cha đẻ của phân tâm học Sigmund Freud)

Tại sao nghe nói tiếng Anh trở thành rào cản?

Vấn đề khiến nghe nói tiếng Anh mãi không tiến bộ

Mình sẽ điểm qua một số vấn đề khiến các bạn học nghe nói tiếng Anh mãi mà không tiến bộ: (Như đã nói ở trên, ta bỏ qua các điều kiện về môi trường giáo dục và điều kiện tiếp cận thông tin)

Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm

Trong ngôn ngữ đơn âm, phát âm của mỗi từ đều chỉ có 1 âm duy nhất. Do đó, chúng ta thường sẽ đọc các âm với độ rõ gần như nhau, bởi vì nếu không rõ hay thiếu âm nào là coi như chúng ta đã không nói ra từ đó. Mà thiếu đi một từ là nhiều khi nghĩa hay sắc thái của câu khác ngay. Ví dụ: “mẹ lấy hộ con cái bát” mà thành “lấy hộ con cái bát” là tèo rồi. Vì lý do trên, trong tiếng Việt ta phát âm theo kiểu âm nào cũng mạnh cũng rõ như âm nào.

Trong ngôn ngữ đa âm, phát âm của một từ gồm nhiều âm và người nói không phát âm tất cả các âm với độ rõ như nhau, mà có âm rõ và âm kém rõ hơn. Do sự đa dạng và phong phú trong cách tổ hợp âm tiếng Anh, chỉ cần trọng âm khác nhau là phát âm của từ khác nhau ngay. Ví dụ: “impotent” sẽ khác từ “important”, và người ta phân biệt được khi nghe hai từ này do trọng âm của chúng khác nhau: “impotent” có trọng âm là âm /im/, trong khi “important” có trọng âm là âm /po:/.

Như vậy, khi não bạn áp dụng một cách vô thức cách phát âm tiếng Việt vào tiếng Anh, đáng ra các bạn chỉ cần phát âm rõ trọng âm thì các bạn toàn phát âm rõ mọi âm. Cách phát âm này vừa tốn sức, vừa khiến cho người nghe khó hiểu hơn vì người bản xứ đâu có phát âm như thế. Người ta chỉ phát âm rõ ràng trọng âm của từ và trọng âm của câu thôi.

Tiếng Việt chú ý cả phụ âm và nguyên âm như nhau.

Tiếng Anh chú ý phụ âm nhiều hơn.

Phát âm Tiếng Việt đòi hỏi đầy đủ cả phụ âm và nguyên âm rõ ràng. Tiếng Anh lại là ngôn ngữ của phụ âm. Mỗi âm trong một từ tiếng Anh đều bắt đầu bằng phụ âm và ngoại trừ trọng âm thì tất cả các nguyên âm khác đều được đọc vô cùng lướt, thậm chí không đọc. Ví dụ: từ “American” sẽ được nhiều bạn nghĩ rằng phải phát âm là “ơ-me-ri-cừn”, trong khi thực tế thì họ chỉ phát âm nghe như: ə‘me.r.kn (mặc dù phiên âm vẫn ghi rõ là /ə.’mer.i.kən/)

Trong khi các bạn thường xuyên phát âm rõ từng nguyên âm, thì các phụ âm, khi không đi kèm với nguyên âm đằng sau, nhưng cũng rất quan trọng như /r/, /t/, /l/, /f/, /d/ bị bỏ qua. Thế nên “wild” thì các bạn phát âm thành “why”, “place” thì bị các bạn phát âm thành “plết”, và còn nhiều ví dụ khác.

Tiếng Việt sử dụng kí tự La-tinh giống tiếng Anh.

Điểm tương đồng này, về mặt phát âm, không hề có lợi khi bạn học tiếng Anh. Nó chỉ khiến cho người mới học càng dễ sa lầy vào những cái mà não họ mặc định là đúng. Như mình đã nói ở trên, khi thấy những cái gì đó có một điểm giống với cái đã biết, con người có xu hướng quy những tất cả những đặc điểm khác của cái mới cũng giống hệt những cái đã biết. Tức là, khi nhìn thấy từ “kit” (a set of things), não bạn thấy giống giống chữ “kít” trong tiếng Việt và lơ là cách phát âm của nó, cứ mặc định luôn rằng phát âm của từ này cũng giống từ “kít” trong tiếng Việt. Cơ mà, nó khác nhau.

Tiếng Anh có rất nhiều âm không nằm trong từ điển âm của tiếng Việt.

Điều này thực ra rất rõ ràng nhưng nhiều người không nhận ra vì não họ tự tạo ra định kiến một cách vô thức về âm trong tiếng Anh. Các ví dụ ở trên của mình đều chứng minh điều đó. Mình chỉ muốn nói là: các âm tiếng Anh vô cùng vô cùng khác các âm tiếng Việt, khác đến từng cái nhỏ nhất trở đi. Từ các bật ra âm /p/ cho đến cách phát âm của âm /i/, từ cách tạo ra âm “ch” /tSh/ cho đến âm “sh” /S/. Từng tưởng “Ôi dào, chữ p nào chả như nhau, chữ t nào chả như nhau.” Không, giữa những ngôn ngữ khác nhau, chúng khác nhau, rất rất khác nhau. PHẦN LỚN CÁC ÂM TRONG TIẾNG ANH ĐỀU KHÔNG HỀ XUẤT HIỆN TRONG BẤT CỨ TỪ NÀO CỦA TIẾNG VIỆT.

Điều này có nghĩa là khi phát âm tiếng Anh, họng, lưỡi, răng, môi của chúng ta sẽ phải động theo những cách hoàn toàn mới. Phàm cái gì mới thì đều khó làm cho chuẩn được. Giống như đứa trẻ con mới học nói thì chưa nói được đúng từ “ếch” mà nói thành “ất”. Khi nói chưa chuẩn thì nghe cũng không thể chuẩn vì đâu có biết âm chuẩn nghe như thế nào đâu mà nhận ra.

Những âm mà người Việt Nam hay phát âm sai thường xuyên là những nguyên âm ghép như:
– Âm /ai/ trong từ “time” mọi người phát âm thành “a”
– Âm /ei/ trong từ “place”, “plate”, “date” mọi người phát âm thành “ê” hoặc “ết”
– Âm /ou/ trong từ “post” mọi người phát âm thành “o”
Và còn nhiều nhiều âm khác nữa.

Tính cách và tư duy của người Việt Nam

Người Việt Nam mình phải nói là chúa cẩu thả, dễ dãi, và LƯỜI. Phát âm lên thấy chả giống người bản xứ phát âm chút nào, cũng có muốn nói giống người ta cho sang mồm đấy nhưng mà lười quá không nghe đi nghe lại, hoặc đi học, đi hỏi người khác cho đến khi phát âm được đủ để người ta hiểu.

Bên cạnh đó, cách học thụ động khiến cho người học không chủ động liên hệ những gì mà mình đã học với nhau. Giáo viên nói gì thì biết đó chứ không biết liên hệ chứ đừng nói gì phản biện. Ví dụ: chữ “A” trong bảng chữ cái đọc là /ei/, thế sao không liên hệ đến những từ như “place” hay “date” xem nó có phát âm là /ei/ không hay là “ết” ?
Thụ động trong suy nghĩ thế thì mãn đời cũng chả nghe nói đúng được!

Tính cách và tư duy của người Việt Nam Nghe nói tiếng Anh

2. Học tiếng Anh như thế nào để có thể nghe và nói tốt?

Khi đã nhận biết được các vấn đề có tính căn bản như trên, cách học đúng đương nhiên sẽ xoay quanh việc làm sao để giải quyết các vấn đề đó. Nhưng trước hết, mình cần các bạn biết những yếu tố nào khiến một người phát âm khiến cho người bản xứ dễ hiểu:

  1. Volume: âm lượng
  2. Speed: tốc độ
  3. Pitch: cao độ
  4. Pausing: ngắt, nghỉ
  5. Stress: nhấn trọng âm
  6. Pronunciation: phát âm (ở đây chỉ giới hạn là phát âm của âm đơn lẻ)
  7. Linking sounds: nối âm
  8. Management: quản lý từ

5 yếu tố đầu tiên thực chất gắn bó rất chặt chẽ với nhau và xoay quanh cái người ta vẫn gọi là stress & intonation. Bởi vì, stress đúng đồng nghĩa với việc volume lớn hơn, pitch cao hơn, speed chậm hơn. Intonation là thay đổi pitch (lên bổng xuống trầm), volume thay đổi theo pitch, và đưa pausing vào hợp lý. Stress và intonation tốt quyết định tới 70% tính dễ hiểu của câu nói, tức là chỉ cần bạn stress và intonation tốt thì cứ 10 người bản xứ nghe bạn nói, có 7 người hiểu bạn nói gì.

Còn lại, pronunciation và linking sounds tốt chỉ quyết định 30% tính dễ hiểu. Dù sao pronunciation chuẩn tất cả mọi âm đòi hỏi việc rèn luyện kĩ thuật phát âm bài bản và thời gian tiếp xúc với tiếng Anh lâu dài. Năng khiếu thẩm âm và phát âm cũng có thể khiến quá trình rèn luyện này nhanh đạt kết quả hơn, nhưng không có nghĩa là cứ phải có năng khiếu mới phát âm đúng.

Tại sao mình lại nói điều này? Bởi vì khi bạn chú ý đến stress & intonation thì bạn đã giải quyết được 2 vấn đề đầu tiên trong 5 vấn đề kia rồi. Và chỉ giải quyết được 2 vấn đề đó cũng đã khiến trình độ nghe và nói của bạn tăng lên rất rất nhiều, không gặp trở ngại nào lớn trong hầu như mọi tình huống giao tiếp hàng ngày. Để chú ý đến stress và intonation hơn thì chỉ có cách tra từ điển nhiều để biết word stress, và nghe nhiều để biết sentence stress. Khi nghe hãy đặc biệt chú ý xem họ nói chậm ở đâu, nói to và rõ hơn ở đâu, lên giọng ở đâu. Sau đó hãy bắt chước họ, lên giọng và nói to hơn ở đúng nhữn âm đó, nói với đúng tốc độ đó và ngắt nghỉ đó.

Việc nói to hơn, rõ hơn, cao hơn chắc chắn không phải việc khó khăn gì, ai cũng làm được. Cách làm này không khác gì trẻ con học nói: nghe với tất cả tinh thần cầu thị học hỏi, coi tất cả những gì họ nói là đúng, coi như mình chưa biết gì hoặc những gì mình đã biết đều sai hoàn toàn. Tại sao trẻ em học ngôn ngữ tốt? Bỏ qua yếu tố chủ quan kiểu như khả năng tiếp thu ngôn ngữ ở giai đoạn sơ sinh tốt hơn (blah blah blah), trẻ em học ngôn ngữ tốt vì chúng chưa biết gì cả và học hỏi với tinh thần hoàn toàn cầu thị, bắt chước tất cả những gì người khác nói. Người lớn cậy mình biết rồi nên áp đặt những gì mình biết lên ngôn ngữ khác, vô thức hoặc có ý thức, mà không hề có cơ sở khoa học nào cho việc áp đặt đó.

Học tiếng Anh như thế nào để có thể nghe và nói tốt?

Còn để giải quyết 3 vấn đề còn lại, có một vài cách sau:

a. Tìm giáo viên có kĩ năng phát âm tốt, có khả năng phân biệt rất rõ từng âm một trong tiếng Anh

Và hiểu rõ những vấn đề trên của người Việt khi học tiếng Anh. Theo quan điểm của mình, những giáo viên người Việt sẽ hiểu và dạy tốt hơn giáo viên bản xứ. Có điều việc tìm giáo viên người Việt mà phát âm chuẩn 100% tất cả mọi âm gần như là điều không thể. Bởi vì trình độ của những người cần học phát âm chưa đủ để đánh giá giáo viên. Tuy nhiên, nếu bạn tìm được, cách này sẽ giúp các bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian (và tiền bạc), thay vì phải dùng 2 cách dưới.

b. Tự tiếp xúc với âm tiếng Anh thật nhiều mà không cần ai hướng dẫn.

Có thể xem phim có phụ đề hoặc nghe các bài nghe có transcript sẵn. Vừa nghe vừa đọc transcript của bài nghe đó. Nghe đi nghe lại. Mỗi ngày nên nghe khoảng 30 phút có đọc transcript. Trong 30 phút đó nên nghe khoảng 3 – 4 bài. Cách này sẽ giúp bạn kết nối những từ bạn đọc trong transcript với cách phát âm chuẩn của nó, mặc dù sẽ cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm nghe liên tục (ngày nào cũng nghe) để thấy hiệu quả rõ rệt. Khi bạn nghe liên tục trong một thời gian đủ dài, tầm 2 – 3 năm liên tục, bạn sẽ loại bỏ được phần lớn những âm sai trong não và giữ lại nhiều âm đúng. Khi đó đương nhiên bạn sẽ nghe và nói tốt.

c. Cách học phù hợp với ý thích của bạn

Không nhất thiết bạn phải đến trung tâm, hoặc xem phim hay nghe nhiều, nhưng nguyên tắc “tăng thời gian tiếp xúc với tiếng Anh” thì không bao giờ thay đổi. Bạn có thể xem bản tin, nghe radio không cần transcript. Làm thế nào cũng được miễn là bạn thấy thích những nội dung bạn đang theo dõi và vẫn tiếp xúc được với tiếng Anh nhiều. Một điều quan trọng nữa là những việc này phải thường xuyên và trong thời gian dài.

Bản thân mình đã dùng cách thứ 3, tuy nhiên không hoàn toàn chủ động mà phần lớn thời gian dành cho nghe thụ động. Nhiều khi tivi cứ bật những chương trình như HBO hay Disney Channel nhưng mình cứ làm việc khác, mặc kệ cho nó bật. Hoặc sáng ra bật BBC world service trên podcast app dành cho ipad và làm việc chứ không chủ động nghe tin.

Có điều, quá trình của mình hơi khác mọi người vì ngay từ hồi học lớp 8, khi nghe một bạn học cùng lớp nói rằng: từ “time” không phải phát âm là “tham” mà phải phát âm là /taim/, mình ngay lập tức đã tự nhận ra tất cả những gì trước đây mình làm là sai và thay đổi hoàn toàn những thói quen đó.

Ví dụ: trước đó mình phát âm “place” là “plếtx” thì sau đó đã phát âm là /pleis/, “rain” trước đó là “rên” thì sau đó thành /rein/. Sau này, các kênh như HBO hay Cinemax đã giúp mình khẳng định lại và hoàn thiện những nguyên tắc đó và dần tạo ra một thói quen phát âm càng lúc càng gần với người bản xứ (gần chứ không giống). Sau này khi tiếp thu cách phát âm của tiếng Anh Anh, mình nghe ít BBC nhưng vì đã làm chủ được những thói quen đúng nên chỉnh sửa cách phát âm rất dễ. Bên cạnh đó, kĩ năng phát âm của mình lúc đó đã phong phú hơn nhiều, tức là đã phát âm được tất cả mọi âm trong tiếng Anh rồi, nên cá tính hóa giọng không hề khó.

Nói như vậy để mọi người thấy rằng mỗi người có một con đường phát triển riêng. Nhưng con đường này không hề nằm ngoài nguyên tắc “bền bỉ” – bền bỉ trong luyện tập và tư duy, và “tiếp xúc nhiều với tiếng Anh”.
Nói nghe dễ chứ, bạn Long suy nghĩ mửa cả mật ra, tiếp thu tiếng Anh đều đặn như các bạn hít thở uống nước mới dám tự tin như bây giờ đó!

Nguồn: Thầy Hoàng Đức Long, Giảng viên Khóa học Level 2 – Communication Junior

Khóa học Business English Communication tại Impactus sẽ giúp bạn trang bị nền tảng từ ngôn ngữ, phát âm tới các kỹ thuật giao tiếp Interview, Networking, Presentation, Pitching, Personal Branding để chinh phục nhà tuyển dụng, đối tác, khách hàng và thăng tiến sự nghiệp!
Đăng ký nhận tư vấn và test trình độ miễn phí TẠI ĐÂY


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *