Các hình thức phỏng vấn

“BẮT BÀI” CÁC HÌNH THỨC PHỎNG VẤN CỦA THẾ KỶ 21

Khi nhắc đến phỏng vấn xin việc, đâu là hình dung đầu tiên của bạn: Có phải là hình ảnh kinh điển với một chiếc bàn, một ứng viên và một nhà tuyển dụng? Nhưng đó chưa phải là tất cả!
Cùng với việc các ứng viên ngày càng tài giỏi và đầy tiềm năng, các công ty đã và đang áp dụng thêm nhiều phương pháp, cách thức khác nhau trong tuyển dụng để tìm hiểu và lựa chọn ra người phù hợp nhất. Đó là lí do ngoài hình thức phỏng vấn truyền thống 1:1, ngày nay phỏng vấn xin việc còn xuất hiện dưới rất nhiều hình thức phỏng vấn khác. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn một số hình thức phỏng vấn phổ biến nhất – biết đâu một ngày nào đó bạn sẽ thấy mình ngồi trong chính những phòng phỏng vấn này!

Phỏng vấn qua Video

Với việc các ứng dụng video chat online ngày càng phổ biến, nhà tuyển dụng cũng đang sử dụng nhiều hơn hình thức phỏng vấn bằng video. Hình thức này đem lại rất nhiều lợi ích cho nhà tuyển dụng, đặc biệt khi khoảng cách địa lý là quá lớn: họ vẫn có thể tìm hiểu ứng viên cặn kẽ như một cuộc phỏng vấn trực tiếp, trong khi tiết kiệm được thời gian và chi phí cho một cuộc gặp mặt thực sự.

 Bạn có thể đã Skype với bạn bè, gia đình… rất nhiều lần, nhưng việc sử dụng Skype cho một cuộc phỏng vấn xin việc sẽ là trải nghiệm cực kì khác biệt. Nếu nhận được đề nghị

 phỏng vấn online như vậy, bên cạnh việc chuẩn bị những điều cơ bản như mọi cuộc phỏng vấn khác, có một số lưu ý bạn không thể bỏ qua:

  • Kiểm tra thật kĩ để đảm bảo rằng đường truyền mạng, âm thanh (loa và micro), webcam của bạn hoàn toàn ổn và thực sự sẵn sàng

  • Luyện tập – bạn nên thử quay clip lại những câu trả lời của mình để tự đánh giá sự thể hiện của bản thân (cả về nội dung – cách bạn trả lời câu hỏi lẫn hình thức – cử chỉ, phong thái, sự tự tin)

  • Điều chỉnh lại căn phòng: chú ý đến ánh sáng, đừng để phòng quá tối và dọn dẹp chỉn chu bàn làm việc của bạn – bạn sẽ không muốn để lại ấn tượng như một người lười biếng và bừa bộn đâu

  • Chuẩn bị trang phục hợp lý: hãy ăn mặc như thể bạn đang tham gia một cuộc phỏng vấn thực thụ vậy

(Nhất quyết đừng mắc phải lỗi lầm ngớ ngẩn này: Mặc một chiếc áo vest, đeo cravat chuẩn chỉnh và tự tin rằng người phỏng vấn chỉ nhìn thấy hình ảnh nửa trên của bạn, rồi hồn nhiên đứng lên trong một tình huống ngoài dự kiến nào đó và show hết ra trên màn hình chiếc quần đùi bạn đang mặc!)

  • Đừng bấm bút lạch cạch hay liên tục sột soạt lật giấy trong khi phỏng vấn – nhà tuyển dụng có thể không nhìn thấy, nhưng micro sẽ thu lại tất cả âm thanh trong phòng bạn

  • Quan trọng nhất: luôn ghi nhớ vai trò của việc giao tiếp bằng mắt – đừng chỉ nhìn chằm chằm xuống bàn hay tài liệu, hãy nhìn người phỏng vấn – bạn đang có một cuộc nói chuyện và trao đổi thực sự với họ.

Phỏng vấn qua điện thoại

Một số công ty sẽ bắt đầu quá trình phỏng vấn bằng một cuộc điện thoại, trao đổi nhanh với ứng viên để xét xem đó liệu có phải là ứng cử viên tiềm năng họ đang tìm kiếm. Hình thức phỏng vấn này thường được sử dụng để sàng lọc và thu hẹp phạm vi ứng viên trước khi đưa ra lời mời phỏng vấn trực tiếp.

 Đôi khi cuộc phỏng vấn sẽ được lên lịch trước. Trong các trường hợp khác, bạn sẽ nhận được một bất ngờ: nhà tuyển dụng sẽ đột ngột gọi điện tới và hỏi liệu bạn có thể dành ra vài phút nói chuyện không? Do đó, hãy luôn trả lời những cuộc gọi của bạn một cách chuyên nghiệp, nhất là khi số điện thoại đó trông có vẻ lạ lẫm.

Nếu bạn có một cuộc phỏng vấn qua điện thoại đang chờ đợi phía trước, hãy nhớ chuẩn bị thật tốt cho nó. Nếu không, cũng đừng tiếc vài phút đọc những lưu ý cho hình thức phỏng vấn này, bởi bạn sẽ không thể biết được mình sẽ gặp nó lúc nào đâu!

  • Tìm một không gian yên tĩnh: nếu cuộc gọi đã được lên lịch trước, hãy đảm bảo bạn chuẩn bị cho mình một nơi yên tĩnh, đóng cửa lại và lưu ý mọi người không làm phiền bạn trong khoảng thời gian đó.

  • Nếu cuộc gọi đến bất ngờ, hãy cố gắng tìm không gian thích hợp nhất có thể. Trong trường hợp thời gian và địa điểm hiện tại của bạn thực sự không thuận tiện, hãy hỏi nhà tuyển dụng liệu bạn có thể gọi lại vào lúc khác và gợi ý khoảng thời gian phù hợp.

  • Những vật dụng không thể thiếu: CV của bạn để đảm bảo bạn có thể trả lời ngay nếu nhà tuyển dụng có câu hỏi; giấy bút để take note khi cần, và một cốc nước giúp giữ bình tĩnh cho bạn

  • Luyện tập: thử “phỏng vấn” với một người quen và ghi âm lại để biết bạn đang thể hiện ra sao qua điện thoại. Bằng việc này, bạn có thể nghe rõ những tiếng “à”, “ừm” và cố gắng loại bỏ chúng trong những cuộc hội thoại của mình, cũng như chỉnh sửa lại những câu trả lời chưa tốt của bạn.

Bắt bài các hình thức phỏng vấn xin việc

Trong cuộc phỏng vấn, đừng:

  • Hút thuốc lá, nhai kẹo cao su, ăn uống

  • Cắt lời người phỏng vấn

và hãy:

  • Trả lời ngắn gọn, đúng ý

  • Nói chậm rãi và phát âm rõ ràng

  • Mỉm cười – Nụ cười sẽ thay đổi tone giọng của bạn và tạo ra cảm giác tích cực, nhiều năng lượng và nhiệt huyết hơn

  • Bình tĩnh và dành thời gian chuẩn bị câu trả lời – bạn không nhất thiết phải trả lời ngay lập tức, hãy dành ra một vài giây để sắp xếp lại những suy nghĩ của mình

  • Note lại những gì cần lưu ý

  • Nhớ rằng mục tiêu của bạn là một cuộc phỏng vấn trực tiếp: Khi cuộc gọi kết thúc, hãy cảm ơn người phỏng vấn bạn và hỏi xem liệu cả hai có thể gặp mặt để trao đổi thêm hay không

Phỏng vấn nhóm

Với hình thức phỏng vấn này, bạn không phải người duy nhất gặp mặt nhà tuyển dụng – bạn sẽ được sắp xếp phỏng vấn cùng một nhóm các ứng viên khác. Hình thức phỏng vấn này được nhà tuyển dụng khá yêu thích, bởi nó giúp họ thực hiện được rất nhiều cuộc phỏng vấn trong cùng một khoảng thời gian.

Phỏng vấn nhóm thường gặp nhất ở những công việc dễ đem lại áp lực, yêu cầu cường độ làm việc cao hoặc liên quan tới khách hàng. Nếu bạn thể hiện tốt trong một cuộc phỏng vấn cần nhiều tương tác, áp lực và đầy cạnh tranh, bạn có thể sẽ thể hiện tốt trong công việc với tính chất tương tự.

Đó sẽ là cuộc phỏng vấn bạn không chỉ cần “vượt qua”, mà còn phải thực sự tỏa sáng. Một ứng viên nổi bật trong cuộc phỏng vấn nhóm sẽ là người:

  • Tự tin và tôn trọng: Bạn sẽ muốn mình được người khác lắng nghe, nhưng đừng trở thành kẻ lấn át trong cuộc phỏng vấn. Khi bạn thấy có khoảng trống để lên tiếng, hãy làm thế một cách bình tĩnh và chắc chắn. Đừng ngắt lời hay chen ngang người khác, tỏ ra thiếu kiên nhẫn hay quá mức cạnh tranh.

  • Biết lắng nghe: Một khía cạnh quan trọng trong làm việc nhóm chính là lắng nghe mọi người. Hãy để tâm đến những gì người phỏng vấn cũng như những ứng viên

  • khác đang nói. Khi trả lời câu hỏi hay đưa ra ý kiến, nếu được, bạn nên liên hệ lại với những ý kiến người khác đã nói. Bạn cũng nên nhanh chóng ghi nhớ (và sử dụng) tên của người phỏng vấn lẫn các ứng viên khác, việc này sẽ thể hiện hơn nữa khả năng lắng nghe của bạn.

  • Biết cách lãnh đạo và dẫn dắt: Nếu nhà tuyển dụng đưa ra một bài tập nhóm, hãy tìm cơ hội trở thành leader và dẫn dắt mọi người. Việc này có thể chỉ đơn giản là đảm bảo mọi người đều có cơ hội tham gia và đảm nhiệm một vị trí hay một phần việc trong những gì cả nhóm đang làm. Nếu bạn là người trình bày về kết quả của nhóm với nhà tuyển dụng, đừng quên nhắc đến vai trò của các thành viên trong nhóm của bạn.

  • Luôn là chính mình: Khi đảm bảo mọi người lắng nghe tiếng nói của bạn, cũng đừng cảm giác rằng mình đang phải lớn tiếng quá mức nếu bạn vốn là người hơi nhút nhát. Hãy trả lời những câu hỏi một cách có suy nghĩ – việc trả lời ít nhưng có mục đích rõ ràng sẽ tốt hơn là bạn nói hàng chục câu mà không có mục đích gì cả. Làm một người biết lắng nghe và phản hồi cẩn thận vẫn sẽ khiến bạn trở nên nổi bật mà không cần phải gồng mình lên trở thành một người khác.

Phỏng vấn với một Hội đồng

Nếu như trong phỏng vấn nhóm, một người phỏng vấn sẽ phụ trách cả nhóm ứng viên thì ở phòng phỏng vấn “hội đồng” này, bạn sẽ “đối mặt” với một nhóm từ hai người phỏng vấn trở lên. Bạn có thể sẽ gặp từng người phỏng vấn riêng biệt, nhưng cũng có thể bạn sẽ phải ngồi với tất cả – một Hội đồng phỏng vấn. Trong một số trường hợp, một Hội đồng sẽ phỏng vấn một nhóm ứng viên cùng một lúc. Thông thường, mỗi người sẽ dành cho bạn ít nhất một câu hỏi.

Để “sống sót” trong hình thức phỏng vấn nghe có vẻ đầy đáng sợ này, bạn nên ghi nhớ những lưu ý sau:

  • Cảm nhận không khí trong phòng và tương tác với tất cả mọi người:

Bạn có thể bắt đầu bằng việc giới thiệu bản thân và bắt tay với Hội đồng phỏng vấn. Khi trả lời câu hỏi, hãy tương tác với tất cả mọi người, đừng chỉ tập trung vào một hoặc hai nhân vật bạn thấy có thiện cảm hoặc bạn nghĩ đang thực sự lắng nghe mình. Hãy nhớ rằng không phải lúc nào bạn cũng biết ai là người có quyền quyết định cao nhất về mảng Tuyển dụng, do đó bạn nên đảm bảo trả lời câu hỏi của tất cả mọi người một cách cẩn thận và rành mạch, dù chức vụ của người đó có là gì đi nữa.

  • Luôn nhớ giao tiếp bằng ánh mắt:

Trong lúc trả lời những câu hỏi của bạn, đừng chỉ nhìn vào người đã đặt câu hỏi, hãy nhìn lần lượt cả Hội đồng phỏng vấn. Điều chỉnh câu trả lời của bạn dựa trên phản ứng của họ. Tất nhiên, đôi khi một người sẽ phản hồi tích cực về những gì bạn nói, trong khi một người khác thì không. Đừng quá lo lắng, hãy cứ nỗ lực gây ấn tượng và thuyết phục họ một cách tốt nhất bạn có thể làm được.

  • Cố gắng tạo cảm giác như một cuộc trò chuyện:

Đây không phải điều kiện bắt buộc cho một buổi phỏng vấn thành công, nhưng một dấu hiệu điển hình cho thấy bạn đang làm tốt chính là cảm giác buổi phỏng vấn giống như một buổi trò chuyện hơn là một màn thẩm vấn. Khi bạn thấy mình đã thoát khỏi cái chuỗi liên tiếp hỏi – trả lời – hỏi – trả lời…, điều đó có nghĩa là bạn đang dần kết nối được với những người phỏng vấn. Trong hình thức phỏng vấn Hội đồng, việc này có thể đặc biệt khó. Bạn nên cố gắng đề cập đến những người phỏng vấn cũng như những câu hỏi trước đó khi trả lời, “Như anh X đã nói khi nãy…”, “Lúc trước chúng ta đã đồng ý với nhau là…”. Đó sẽ là một cách tốt để mọi người thấy rằng bạn đã lắng nghe rất cẩn thận và khiến cuộc phỏng vấn dần mang lại cảm giác trò chuyện hơn.

Vậy là ngoài phỏng vấn truyền thống kinh điển, còn vô vàn những hình thức phỏng vấn khác nhau. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, điều quan trọng nhất trong tất cả các buổi phỏng vấn chính là thể hiện một cách trung thực và chân thành hình ảnh tích cực nhất của bạn. Hãy là chính mình và đừng sợ hãi, bởi những người phỏng vấn cũng luôn mong bạn có thể thành công. Sau cùng thì nếu họ không nghĩ bạn là người thích hợp cho vị trí đó, họ đã chẳng tốn thời gian phỏng vấn bạn làm gì.

Nếu bạn vẫn “bâng khuâng” trên con đường định hướng sự nghiệp và giải mã lợi thế cạnh tranh của bản thân, khóa học Career Guide của Impactus giúp bạn có sự chuẩn bị không thể kỹ càng hơn từ kỹ năng viết CV, phỏng vấn thi tuyển đến nhận tư vấn nghề nghiệp từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trước các kỳ tuyển dụng:
Tham khảo ngay tại đây.

Nguồn: HRC


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *