Ký sự du học sinh về nước tìm việc

KÝ SỰ DU HỌC SINH VỀ NƯỚC MẦN VIỆC! – KỲ 1: EM ĐÃ KINH QUA NHỮNG NƠI NÀO

Chia sẻ từ chị Võ Minh Ngọc, Giám đốc và Đồng sáng lập của Impactus về quãng thời gian vừa về nước của chị cách đây nhiều năm: “Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại giai đoạn đầu sự nghiệp tôi vẫn thấy hãi. Đó là quãng thời gian mà tôi thấy hối tiếc và lãng phí nhất trong sự nghiệp, lúc mà đáng lẽ mình cần phải tập trung học hỏi, rèn giũa các kỹ năng phù hợp với thế mạnh, sở thích và nhu cầu nhất.”

Đường công việc không dễ dàng như đường học

Gần 10 năm trước, tôi tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương khoa Tiếng Anh Thương mại và là một trong những đứa khá tiếng Anh nhất lớp. Tôi đi Anh học master chuyên ngành Finance and Management. Đầu khóa tôi là đứa background kém, không liên quan gì đến Finance, nhưng do quyết tâm nên tôi tốt nghiệp với kết quả nằm trong top 10 của khoa năm đó. Với tấm bằng Distinction (loại cực kỳ hiếm), tôi tự tin và hào hứng về nước, với một niềm tin ngây thơ là sự nghiệp của tôi sẽ thuận lợi và vẻ vang không kém cái sự học.

Chính vì ngây thơ, nên thực tế đã cho tôi những “cái tát” càng đau.

Du học sinh về nước

Người chọn nghề – hóa ra khó không tưởng

Trong 1 tháng, sau vài lần lướt Vietnamworks và check trang Career của các công ty MNC mà không nên cơm cháo gì, tôi đâm đơn đại vào vị trí Researcher ở một công ty môi giới bất động sản nước ngoài khá lớn. Tôi chẳng hứng thú gì với đất đai đâu (Chán bỏ xừ. Cái thứ gì mà bất động, chả có linh hồn gì cả?), nhưng vì chán cảnh nằm nhà quá, nên tặc lưỡi thử xem sao, gọi là đi làm lấy kinh nghiệm.

Cuộc phỏng vấn diễn ra khá dễ dàng và tôi được nhận luôn (Về sau mới phát hiện ra công ty đó người ra người vào liên tục, vào được cũng chả phải do mình giỏi giang gì. Nhất là cứ thấy cái mác “du học UK” và nói chuyện theo kiểu “trời mưa em biết chạy vào nhà” là họ nhận).

Du học sinh về nước

 

Chỉ sau 4 tháng ở đó, tôi đã thấy cám cảnh ngồi ôm máy tính và Excel, thỉnh thoảng giả vờ là đại gia buôn đất thả thính hội cò bất động sản để xem giá nhà đất như nào, sau đó ngồi vẽ chart, phân tích số liệu, viết report. Tôi đâm đơn xin nghỉ việc: “Em thấy mình không phù hợp với công việc này. Em muốn thử sức ở công việc khác, được giao tiếp nhiều hơn.” Và thế là chuỗi ngày nhảy việc của tôi bắt đầu.

Nhảy việc – liệu có phải là cách hay

Trong suốt 4 năm, tôi nhảy từ Project Manager cho 1 công ty Giáo dục trực tuyến của Việt Nam cho đến Business Development cho 1 công ty IT cũng của Việt Nam. Rồi chán phong cách làm việc Việt, tôi lại trèo sang làm cho công ty nước ngoài. Đầu tiên là làm marketing consultant cho 1 đội hình châu Âu đi đấu thầu các giải pháp green transportation. Thế quái nào thầu không bỏ được mối nào, tôi lại thất nghiệp.

Đời tôi cũng phải 3 lần thất nghiệp, càng về sau thời gian thất nghiệp nó càng dài. Thất nghiệp là một trải nghiệm đau đớn, ê chề nhất mà tôi đảm bảo bạn không bao giờ muốn có.

Thời hạn trong sự nghiệp hóa ra quan trọng vô cùng

Tôi nhận ra rằng mình đã quá chủ quan với “thời hạn (due date)” của mình. “Thời hạn” của sự nghiệp tức là: Bạn chỉ có khoảng 2 – 3 năm đầu để thử, tìm ra thứ mình thích rồi kiên trì đi theo một hướng thôi.

Ví dụ bạn phát hiện ra mình hợp làm HR, bạn chỉ nên làm trong mảng Tuyển dụng rồi phát triển theo hướng đó. Đến tầm 27 – 28 tuổi là người ta đã kỳ vọng bạn phải tích lũy đủ kinh nghiệm để có thể lên chức rồi. Chớ như tôi, nhảy từ Researcher sang Project Manager, đến Business Development rồi lại Marketing vân vân mây mây. Cái đó nó trái ngược với câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” của các cụ nhà ta, và cũng na ná với câu “Jack of all trades”, tức là cái gì cũng biết, nhưng chả biết sâu cái gì cả.

Du học sinh về nước

Về sau này, khi tìm được công việc mình thích là làm với Media, Communication ở một công ty về Communication ở Thụy Sỹ rồi, tôi mới phát hiện: Mình thích làm về Communication. Thế là từ đó, tôi chỉ đi theo mảng Communication thôi và khám phá ra rất nhiều thứ hay ho, để rồi dựng nên Impactus chuyên về Communication.

Tôi ước giá mà lúc đó có ai hiểu về các bước trong sự nghiệp, hiểu về thị trường lao động và biết cách phân tích năng lực của tôi để chỉ cho tôi nghề nghiệp nào phù hợp với mình, hoặc ít ra cách tìm ra nghề nghiệp phù hợp, để quát thẳng vào mặt tôi bắt dừng ngay cái việc nhảy loạn cào cào từ A sang Z rồi lại quay về B, thì có phải sự nghiệp của tôi bây giờ chói lọi và thành công hơn nữa không.


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *