Fake News là gì? (Phần 1)

Media literacy là gì và tầm quan trọng của nó

Media literacy (tạm dịch: học và hiểu về truyền thông) là tập hợp những kỹ năng mà bất kì ai cũng có thể học được. Chẳng hạn như literacy là kĩ năng đọc và viết, media literacy đề cập đến khả năng tiếp cận, phân tích, đánh giá và tạo ra các kiểu thông điệp truyền thông (theo medialit.org).

Đây là những kỹ năng thiết yếu trong thế giới hiện đại. Ngày nay, mọi người thu nhận thông tin qua phức hợp của những văn bản, hình ảnh và các dạng âm thanh. Chúng ta cần có khả năng điều khiển môi trường  này để biến những thông điệp truyền thông chúng ta tiếp nhận hằng ngày trở nên có ý nghĩa và chúng ta cũng  thể hiện được bản thân mình bằng việc sử dụng đa dạng các công cụ và công nghệ truyền thông.

Mỗi cá nhân cần đặt ra 5 câu hỏi quan trọng, bao gồm:

  • Truy cập: Bạn đang tiêu thụ loại nội dung nào và làm sao để bạn tiếp cận được nó?
  • Phân tích: Bạn có hiểu rõ thông điệp của nó không?
  • Đánh giá: Bạn có nhận thức được rằng mỗi thông điệp được tạo ra bởi một ai đó và chúng dựa trên mục đích và quan điểm của họ?
  • Kiến tạo: Khi tạo ra một hình thức truyền thông, giống như một bài đăng trên trang cá nhân hay trên Instagram, bạn có trách nhiệm gì với những người nhìn thấy nó?
  • Phản hồi: Bạn sẽ làm gì với những thông tin mới nhận được?

Thông tin sai lệch và Tin tức giả mạo

Theo các chuyên gia, chúng ta không nên hoặc hạn chế sử dụng thuật ngữ “tin tức giả” (Fake News). Bởi lẽ, thuật ngữ này có liên quan chặt chẽ đến các chủ đề chính trị và mối liên kết này có thể thu hẹp trọng tâm của vấn đề chúng ta đang đề cập đến một cách vô ích. Vì vậy, thay vì sử dụng thuật ngữ “tin tức giả”, chúng ta có thể sử dụng thuật ngữ “thông tin sai lệch” (False Information). Nó có thể được hiểu khi nói đến một loạt các chủ đề như sức khỏe, môi trường và kinh tế trên tất cả các nền tảng và thể loại, trong khi “tin tức giả” được hiểu theo nghĩa hẹp hơn là các câu chuyện, tin tức chính trị. 

Thông tin sai lệch là gì?

Rất nhiều thông tin bạn đọc trên các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là mạng xã hội, có thể không hoàn toàn chính xác. Thông tin sai lệch có thể là tin tức, câu chuyện hoặc trò lừa bịp cố tình cung cấp các thông tin sai sự thật và đánh lừa người đọc. Thông thường, những câu chuyện sai sự thật này được tạo ra để tác động đến quan điểm của người đọc, định hướng dư luận, thúc đẩy chính trị và thường có thể là việc tạo ra lợi nhuận cho các nhà xuất bản trực tuyến. Thông tin sai lệch có thể đánh lừa người đọc với việc ngụy trang như các trang web đáng tin cậy hoặc sử dụng tên và địa chỉ web tương tự như các tổ chức tin tức có uy tín.

Theo bà Martina Chapman (một chuyên gia về media literacy ), có ba yếu tố để làm giả tin tức: “sự nghi ngờ, thông tin sai và thao túng”.

Sự gia tăng của thông tin sai lệch

Truyền thông sai lệch không phải là một vấn đề mới, tuy nhiên nó đã trở thành một chủ đề nóng đáng được quan tâm từ năm 2017. Theo cách truyền thống, chúng ta  lấy tin tức từ các nguồn đáng tin cậy, còn nhà báo và các phương tiện truyền thông bắt buộc phải tuân theo các quy tắc vô cùng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, internet đã mang đến một cách thức hoàn toàn mới để xuất bản, chia sẻ và tiêu thụ thông tin và tin tức với rất ít quy định hoặc tiêu chuẩn biên tập. 

Hiện nay, rất nhiều người đọc cảm thấy hoang mang khi nhận được những tin tức từ các trang web, mạng xã hội mà không thể biết liệu những thông tin đó có đáng tin cậy hay không. Tình trạng quá tải thông tin và sự thiếu hiểu biết về cách thức hoạt động của Internet cũng góp phần làm gia tăng các thông tin sai lệch hoặc những thông tin lừa đảo. Các trang mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tăng phạm vi tiếp cận của những tin tức không chính xác đó. 

“Hoạt động kinh doanh từ truyền thông mạng xã hội ưa chuộng các tin đồn, tính mới lạ, tốc độ và “khả năng chia sẻ””ông Simeon Yates – một chuyên gia về media literacy cho biết 

Các loại thông tin sai lệch

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc xác định các loại thông tin sai lệch. Tuy nhiên, khi đánh giá các nội dung trực tuyến, chúng ta cần phải lưu ý những loại tin tức sai lệch và gây hiểu lầm bao gồm: 

1. Mồi nhử nhấp chuột (Clickbait)

Đây là những câu chuyện được bịa ra để “câu” được nhiều người truy cập website và tăng doanh thu quảng cáo cho website đó. Những câu chuyện “mồi nhử” này sử dụng các tiêu đề giật gân để thu hút sự chú ý và kích thích người xem nhấp vào trang web của nhà xuất bản và thông tin thường sai sự thật hoặc không hoàn toàn chính xác.

2. Tuyên truyền (Propaganda)

Những thông tin và tin tức được tạo ra để đánh lừa khán giả, định hướng dư luận hoặc tuyên truyền tư tưởng phục vụ cho mục đích chính trị hoặc chương trình nghị sự.

3. Châm biếm / Nhại lại (Satire/Parody)

Rất nhiều trang web và tài khoản mạng xã hội đăng tin giả mạo để giải trí và nhại lại. Ví dụ như The Onion, Waterford Whispers, The Daily Mash,…

4. Báo chí cẩu thả (Sloppy Journalism)

Đôi khi các phóng viên hoặc nhà báo đăng một câu chuyện với thông tin không đáng tin cậy hoặc không kiểm tra tất cả các sự kiện dẫn đến sự hiểu lầm cho người đọc. Ví dụ: trong cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, nhà bán lẻ thời trang Urban Outfitters đã xuất bản “Hướng dẫn về Ngày bầu cử”, hướng dẫn này chứa thông tin không chính xác về việc cử tri cần có ‘thẻ đăng ký cử tri’. Điều này không được yêu cầu bởi bất kỳ tiểu bang nào ở Hoa Kỳ khi các cử tri tham gia bỏ phiếu.

5. Tiêu đề gây hiểu lầm (Misleading Headings)

Những câu chuyện không hoàn toàn sai sự thật có thể bị bóp méo bằng việc sử dụng các tiêu đề dễ gây hiểu lầm hoặc giật gân. Những loại tin tức này có thể lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội, nơi chỉ có tiêu đề và đoạn trích nhỏ của bài báo đầy đủ được hiển thị trên newsfeed của người dùng.

6. Tin tức thiên kiến/một chiều (Biased/Slanted News)

Nhiều người đọc bị thu hút bởi những bài viết hoặc tin tức giống với niềm tin, quan điểm, ý kiến cá nhân của họ và truyền thông sai lệch có thể dễ dàng “câu” được những thành kiến này. Hơn thế nữa, mạng xã hội có xu hướng hiển thị các tin tức, bài báo mà chúng ta có thể sẽ quan tâm dựa trên phân tích những tìm kiếm được cá nhân hoá của người dùng. 


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *