CẨM NANG CHỌN NƠI THỰC TẬP: 4 ĐIỀU-PHẢI-BIẾT

Tìm ra nơi thực tập phù hợp là việc khó hay dễ?

Thực ra mọi việc sẽ dễ nếu chúng ta nghĩ nó dễ thôi!

Qua tìm hiểu, Impactus được biết có 4 vấn đề được các bạn sinh viên quan tâm nhiều nhất trong việc chọn nơi thực tập. Đó là: mục đích lựa chọn, có hay không có lương, có phù hợp để thực tập không, công ty lớn hay nhỏ. Dưới đây là chia sẻ của Impactus cho từng vấn đề.

1. Mục đích lựa chọn đi thực tập

Nhiều bạn hỏi: “Khi chọn nơi thực tập, mình nên nhắm tới việc phát triển kiến thức về ngành nghề chuyên môn, hay phát triển các kĩ năng làm việc nói chung?” Câu trả lời là:

– Nếu bạn chắc chắn theo đuổi ngành nghề chuyên môn đến cùng, thì nên phát triển cả hai, và phân phối thì giờ phù hợp cho từng bên theo nhu cầu của bạn.

– Còn nếu chưa thì bạn nên tập trung phát triển kĩ năng trong công việc, bởi vì những kỹ năng này có thể giúp bạn tồn tại ở bất kỳ môi trường nào. Bạn cũng sẽ chịu thiệt thòi hơn nhóm ở trên, vì bạn phải tốn thêm thời gian để băn khoăn xem đâu là ngành nghề trọng tâm mà mình nên theo đuổi.

2. Đi thực tập có lương hay không lương?

Tiền không phải tất cả. Vì thế, bỏ qua một cơ hội thực tập chỉ vì nó không lương có thể sẽ rất uổng phí. Hãy tìm hiểu thật kĩ xem nơi thực tập đó có thể cho bạn những gì. Một cơ hội được làm việc với đội ngũ xuất sắc? Được tạo điều kiện tham gia những sự kiện lớn của công ty? Những trải nghiệm quý giá trong một môi trường làm việc cạnh tranh và chuyên nghiệp? Đó chắc chắn là những giá trị tiềm ẩn đằng sau một kì thực tập mà rất có thể nhiều bạn đã bỏ lỡ. Và quan trọng hơn, khi đi ứng tuyển sau này, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm đến những gì bạn thể hiện được, hơn là mức lương bạn nhận được trong kì thực tập của mình.

Tuy vậy, chúng ta vẫn phải thừa nhận với nhau một điều rằng “có vẫn hơn không”. Một nghiên cứu bởi Hiệp hội các nhà tuyển dụng Mỹ cho thấy, gần 2/3 sinh viên tốt nghiệp từng thực tập có lương được đề nghị trở thành nhân viên chính thức. Trong khi hơn 1/3 số sinh viên tốt nghiệp còn lại phải tìm cơ hội việc làm tại một công ty khác khi trước đó chỉ thực tập không lương. Lương vừa là phần thưởng cho công sức bạn bỏ ra, vừa tạo động lực để bạn tiếp tục phấn đấu. Không phải bỗng dưng nhà tuyển dụng chấp nhận trả tiền cho bạn, dù bạn còn chưa tốt nghiệp. Khi ấy hẳn là bạn phải đóng một vị trí hay vai trò quan trọng chẳng kém gì nhân viên chính thức rồi.

Chính vì vậy, nếu bạn đăng kí thực tập không lương, đừng ngại hỏi xem công ty có hỗ trợ ngoài lề không. Chẳng hạn như một bữa trưa trong tuần, hoặc một khoản thưởng nhỏ nếu bạn vượt chỉ tiêu. Không nhà tuyển dụng nào thấy phiền khi bạn hỏi những câu như vậy đâu!

3. Có phù hợp để thực tập không?

Câu hỏi này nghe có vẻ vô thưởng vô phạt, nhưng thực tế nhiều bạn đã có trải nghiệm thực tập khá tồi tệ khi tìm đến những công ty không phù hợp với mong muốn cũng như chuyên ngành, chỉ vì không tìm hiểu kĩ. Thậm chí có những bạn tìm đến các công ty không có hệ thống công việc cho sinh viên thực tập, cuối cùng đã phải lãng phí hàng tháng trời mà chỉ loanh quanh chạy việc vặt. Hãy hỏi những người đã có kinh nghiệm thực tập tại công ty đó, tìm hiểu xem cụ thể công việc thực tập có những gì. Nếu bạn tìm được công ty đã có sẵn hệ thống công việc dành cho sinh viên thực tập, thì những khúc mắc trên gần như sẽ không xuất hiện.

4. Công ty lớn hay nhỏ?

Điều này tùy thuộc vào sự ưu tiên của bạn, vì mỗi loại đều có ưu và nhược điểm. Nếu bạn là người muốn thử thách bản thân, không ngại va vấp, chịu được áp lực cao, muốn hướng tới một bước đột phá ngay khi bắt đầu sự nghiệp, thì một công ty lớn sẽ là điểm đến thích hợp. Còn nếu bạn muốn bước những bước chậm nhưng chắc chắn, và vừa làm vừa học để tiến bộ rồi mới hướng đến những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp, hãy bắt đầu với một công ty nhỏ. Có rất nhiều con đường dẫn tới thành công, nhưng chỉ những người khôn ngoan chọn được con đường phù hợp với điều kiện của bản thân mới có thể đặt chân đến đó.

Lời kết

Từ tất cả những điều trên, quan trọng nhất vẫn là mục tiêu của bản thân bạn. Hiểu rõ mình muốn gì và cần gì là chìa khóa để bạn không phí hoài thời  gian thực tập. Chẳng may nếu bạn không tự trả lời được câu hỏi trên thì sao? Hãy thử làm, thật nhiều. Vì sẽ có lúc bạn không thể biết mình thích một công việc hay không, nếu không tự mình bắt tay vào làm nó. Chúc bạn có một khoảng thời gian thực tập quý giá!

______
Nếu bạn còn gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng và phát triển sự nghiệp, Impactus rất vui lòng được tư vấn hỗ trợ về các khóa học sự nghiệp bằng cách đăng kí tại: TẠI ĐÂY


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *